Khi tôi gõ bàn phím viết bài phóng sự này, cũng là lúc, biển Lý Sơn lại ầm ào, khiến hàng trăm du khách mắc kẹt. Khi tôi quyết định đặt tour với hành trình ra biển đầu năm mà điểm đến là Lý Sơn thì ngoài khơi xa ấy, những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân có hàng nghìn người không thể về thăm quê do biển động. Vậy mà, thật may, khi ông trời khéo chiều lòng người, bởi những ngày Tết, biển Lý Sơn lại yên ả với trời xanh, cát trắng, nắng vàng... Trong dòng du khách “đổ” về Lý Sơn đúng dịp Tết bởi “biển trời quê ta đẹp như gấm hoa” tôi còn tìm thấy sự đồng cảm từ nhiều người chưa từng quen biết về niềm tự hào với biển đảo quê hương, về ý thức và trách nhiệm thiêng liêng với cha ông trong gìn giữ non sông bờ cõi dẫu tận nơi trùng khơi...

Đoàn khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Đoàn khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Nghiêng mình trước “Vạn lý Hoàng Sa”

Trong rất nhiều điểm dừng chân thật sự hấp dẫn ở Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thì cụm công trình gồm nhà trưng bày và tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là nơi mà chúng tôi mong ngóng nhanh chóng được đến đầu tiên khi đặt chân tới huyện đảo này. Chính vì vậy mà ngay sau khi nhận phòng nghỉ, dù đang là giữa trưa nhưng khi cậu hướng dẫn viên du lịch của Đoàn thông báo mọi người nhanh chóng tập trung để tới dâng hương và tham quan, tìm hiểu tại địa chỉ nói trên thì ai cũng nhanh nhẹn, khẩn trương. Nhà trưng bày và tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh cũng chỉ cách nơi ở của chúng tôi chừng 10 phút chạy xe ô tô. Trong cái nắng gay gắt như chính hè xứ Bắc, cả Đoàn không ai bảo ai răm rắp xếp hàng nơi tiền sảnh cụm công trình, thành kính cúi đầu trước tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” sừng sững, uy phong. Cụm tượng đài này được khánh thành từ năm 2010, với chiều cao hơn 4 mét, khắc hoạ 3 chân dung chính là những đại diện của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Theo đó, nhân vật đứng giữa là cai đội trong tư thế một tay chỉ thẳng về hướng biển Đông, một tay đặt lên cột mốc chủ quyền có khắc chữ Hán Nôm “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên vị cai đội là hai dân binh, một người cầm giáo, một người vác lưới trên tay.

Ngược dòng lịch sử để hiểu hơn về cái tên “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”, chúng ta cùng nhau xem lại “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn soạn năm 1776, theo bản dịch của Viện Sử học. Chính trong cuốn này đã ghi: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về. Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người ở xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, cùng do đội Hoàng Sa cai quản”.

Khách du lịch tham quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa.
Khách du lịch tham quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa.

Sau khi thành kính dâng hương trước tượng đài và nghe cậu hướng dẫn viên giảng giải rất chi tiết về tên gọi chúng tôi đi vào phía sau và được tiếp cận với một kho tàng tư liệu vô cùng quý giá đang trưng bày tại Nhà lưu niệm Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Được biết, căn nhà này được xây dựng và khánh thành cùng thời điểm với cụm tượng đài. Bên cạnh các hiện vật tái hiện rất chân thực, sinh động về cuộc sống, sinh hoạt của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải thì mỗi người tới đây không khỏi “cháy bỏng” trái tim khi xem lại các tấm bản đồ tư liệu khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Toàn bộ số bản đồ này là bản sao thuộc kho tư liệu của Uỷ ban biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao), của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng và sưu tập bản đồ của kỹ sư Trần Thắng, Việt kiều Mỹ hiến tặng.

Và, trong nhiều tư liệu rất đặc biệt được trưng bày, tôi đã nghẹn lòng khi xem đến phần những đồ dùng không thể thiếu của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải mỗi lần chuẩn bị xuất quân ra biển. Đó là các thẻ tre có khắc tên, tuổi, quê quán của từng người trong đội quân; chiếu cói, dây mây… Tất cả những vật dụng ấy là để sẵn sàng cho việc bất trắc xảy ra trên biển mà không có ngày về. Cũng chính vì lẽ đó mà hiện nay trên huyện đảo Lý Sơn, trong nhiều di tích cấp quốc gia có một điểm di tích với tên gọi Âm Linh tự chính là nơi hội tụ của những người đã sống, thác với biển khơi. Đây cũng chính là nơi diễn ra lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm được tổ chức vào các ngày 18, 19, 20 tháng 3 âm lịch. Tuy chưa đến ngày chính lễ, song, những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, đến tham quan, tìm hiểu và dâng hương tại Âm Linh tự, chúng tôi được chứng kiến sự chăm lo hương khói và cúng tế rất chu đáo, thành kính của người dân địa phương. Mỗi người dân trong xóm, trong làng khi năm cũ qua đi, năm mới mà có một điều gì đó đã đạt ước nguyện đều mang lễ vật (không quan trọng lớn hay nhỏ) đến Âm Linh tự để làm lễ tạ và sau phần cúng tế các vật phẩm được bày ra để cùng nhau hưởng quệ (một cách gọi khác của hưởng lộc, thụ lộc).

Chỉ với 2 ngày 2 đêm trọn vẹn ở Lý Sơn, chính từ sự trân trọng khắc ghi lịch sử cũng như nhiệt huyết một lòng bám đảo, bám biển vươn khơi của những người dân địa phương đã mang lại cho những du khách phương xa như chúng tôi nhiều nghĩ suy về giá trị cuộc sống và trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Ruộng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn.
Ruộng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn.

Từ vương quốc tỏi tới vương quốc bàng vuông

Nhắc tới Lý Sơn, hẳn là, ai cũng hỏi thăm về tỏi. Loại gia vị này đã mang lại thương hiệu cho huyện đảo Lý Sơn hôm nay - một vùng đất chưa đầy 10 cây số vuông nhưng dân số lên tới trên 20 nghìn người. Có thể nói “đất chật, người đông”. Khi đã biết rõ những con số đó, đến với Lý Sơn, bạn sẽ không bất ngờ hay thắc mắc khi tỏi được trồng ở bất cứ đâu, từ những vùng cát rộng lớn cho tới những khoảnh nhỏ bé, thậm chí rất bé. Người dân ở đây tận dụng mọi nơi có thể để trồng tỏi; bởi, bên cạnh nghề đánh bắt khơi xa thì sản xuất nông nghiệp góp phần mang lại đời sống ấm no cho bà con Lý Sơn chính là cây tỏi. Vậy nhưng, mùa tỏi năm 2015, người dân Lý Sơn không được vui lắm. Qua tìm hiểu, tôi được biết, toàn huyện hiện có 325ha diện tích trồng tỏi, năng suất vụ tỏi 2015 là 7,9 tấn/ha. Và, để có được 1kg tỏi khô thì cần đến 1,4kg tỏi tươi. Những người dân địa phương cho biết, đặc trưng của cây tỏi là cần nắng nhiều thế nhưng vụ mùa năm 2015, do diễn biến bất thường của thời tiết khiến ít nắng vì thế mà thất bát. Lý giải vì sao tỏi Lý Sơn lại có sức hút đặc biệt với hương vị rất đặc trưng, được khẳng định tính thơm, ngon, bổ; trong đó có tỏi mồ côi (còn gọi là tỏi 1 tép) có giá trị kinh tế cao thì người dân Lý Sơn cho biết đó là do cái mặn của vùng đất cát mà chỉ ở nơi này có được. Đến Lý Sơn trong những ngày Tết, chúng tôi được mãn nhãn bởi màu xanh của các ruộng tỏi đã chuẩn bị vào mùa thu hoạch (từ Rằm tháng giêng đến hết tháng 2 âm lịch). Tuy đã có thương hiệu và mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhưng tôi vẫn chưa tìm hiểu được vì sao tỏi Lý Sơn lại chỉ có 1 vụ trong năm?.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm với cây bàng vuông cổ thụ trước cửa chùa Hang.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm với cây bàng vuông cổ thụ trước cửa chùa Hang.

Bên cạnh cây tỏi, tôi thực sự ngỡ ngàng khi khám phá ra Lý Sơn còn là vương quốc của bàng vuông. Là người đã từng có vinh dự được ra Trường Sa, cây bàng vuông với tôi trở nên thân thiết và đặc biệt. Nay, được gặp lại ở huyện đảo tiền tiêu này quả là có một sự xúc động lớn. Ban đầu, cũng như nhiều thành viên khác trong đoàn, chúng tôi những tưởng, cây bàng vuông ở đây là do từ Trường Sa chuyển về. Nhưng không, khi lên tới một điểm tham quan là chùa Hang - nơi rất gần với điểm Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức khởi công xây dựng tượng đài nghĩa sĩ Hoàng Sa, chúng tôi đã thực sự bất ngờ khi được đứng dưới tán cây bàng vuông rất cổ thụ mà theo những người dân địa phương cho biết, có lẽ, tuổi của nó nên tới hàng trăm năm. Khắp các con đường trên huyện đảo Lý Sơn, từ khu vực trung tâm vào đến các thôn và trải dài ở các điểm tham quan đâu đâu cũng có bàng vuông với cây nhỏ, cây to; chỗ được trồng thành hàng tăm tắp, chỗ như mọc tự nhiên. Bàng vuông Lý Sơn cây nào cây đấy đều rất mập mạp, lá to, xanh mướt. Cùng với cây tỏi trải một màu xanh trên cát trắng thì chính bàng vuông đã trở thành cây chủ lực phủ màu xanh cho huyện đảo Lý Sơn. Bởi, giữa cái nắng, cái gió mặn mòi của biển cả và chỉ có đất cát thì chẳng loài cây nào vững vàng, hiên ngang khẳng định sức sống mãnh liệt hơn bàng vuông.

Liều mình vặt một quả bàng vuông rất to được ra trái mùa để mang về đất liền làm kỷ niệm, tôi như thấy mình đã rất gần được chạm đến Hoàng Sa!

Hẹn gặp lại nhé Lý Sơn!

Ngọc Hân

Sưu tầm bởi wWw.VietWeb.Vn - Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: