Sáng 17-2 (mùng 10 tháng Giêng năm Bính Thân), tại lễ trường Giải Oan thuộc Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) đã diễn ra Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2016. Lễ khai hội năm nay không diễn ra vào ngày nghỉ nhưng lượng du khách đổ về vẫn rất đông với không khí rộn ràng.

Du khách tham quan chùa Hoa Yên trong buổi lễ khai hội.
Du khách tham quan chùa Hoa Yên trong buổi lễ khai hội.

Lễ khai hội bắt đầu bằng nghi thức rước lễ trang nghiêm, tôn kính; sau đó là chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục đặc sắc được dàn dựng công phu do diễn viên đến từ Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh và hàng trăm diễn viên không chuyên biểu diễn. Kế đó là màn múa rồng lân, nghi lễ gióng trống, thỉnh chuông khai hội, nghi lễ chúc phúc đầu năm, nghi lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu ấn thiêng Yên Tử. Phần hội cũng có nhiều hoạt động phong phú như: Chọi gà, kéo co, ném còn, biểu diễn võ thuật, giải cờ tướng Kỳ vương Yên Tử lần thứ 3, biểu diễn nghệ thuật tại nhà ga cáp treo, trưng bày hoa mai vàng Yên Tử và nhiều trò chơi dân gian khác.

Trước buổi khai hội, chỉ trong mấy ngày nghỉ Tết Bính Thân vừa qua, Yên Tử đã đón khoảng 250.000 lượt du khách đến tham quan, chiêm bái. Ngày khai hội rơi vào ngày làm việc nhưng du khách cũng đổ về khá đông. Để phục vụ các du khách hành hương về đất Phật, khu vực đỗ xe đã được chỉnh trang, mái của một số chùa cũng được sửa chữa, hệ thống xe điện phục vụ tốt hơn, hệ thống đường giao thông, đường hành hương đã được nâng cấp. Bà Nguyễn Thị Xinh (trú tại Thường Tín, Hà Nội) hồ hởi cho biết: “Tôi đã đến Yên Tử cách đây lâu rồi. Hôm nay trở lại tuy tuổi tác có nhiều hơn nhưng hành hương không còn cảm thấy mệt như trước kia nữa. Đường đi lối lại được cải tạo thuận lợi hơn rất nhiều. Công tác tổ chức cũng được làm tốt hơn, có quy củ hơn. Chúng tôi đi cả đoàn 130 Phật tử cùng quê lên đây nhưng không thấy ai kêu mệt. Ai cũng vui khi về đất Phật”.

Theo ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, trong thời gian tới đây, thành phố sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, gắn kết di tích danh thắng Yên Tử với các điểm đến khác trong thành phố, trong tỉnh tạo tuyến điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, Phật tử thập phương, khai thác tối đa giá trị của di tích. Ông Nguyễn Anh Tú cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục cùng các cấp, các ngành có liên quan xúc tiến việc đề nghị UNESCO vinh danh Phật hoàng Trần Nhân Tông là Danh nhân Văn hoá thế giới, vinh danh Khu di tích lịch sử văn hoá và danh thắng Yên Tử là Di sản Văn hoá thế giới.

Không riêng ông Nguyễn Anh Tú mà mỗi du khách, Phật tử và tăng ni hành hương về Yên Tử đều mong điều đó sớm thành hiện thực, bởi đây là một sự tôn vinh rất xứng đáng với giá trị vốn có của di tích này. Phát biểu tại lễ khai hội, hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhấn mạnh: Lễ hội Yên Tử diễn ra vào mùa xuân mà mùa xuân lại là mùa rạo rực của đất trời, của lòng những người con Phật. Do đó lễ hội xuân Yên Tử sẽ tạo ra luồng sinh khí mới, sự hứng khởi mới dịp đầu năm. Du khách trở về với lễ hội xuân Yên Tử cũng là về với cội nguồn của thiền phái Trúc lâm mang bản sắc của Việt Nam. Về Yên Tử để khơi lại những mùa xuân lịch sử, khơi nguồn và thấu hiểu tư tưởng của Phật hoàng trong việc thống nhất ý chí, hoà giải hoà hợp để cùng phát triển.

Hải Dương

Sưu tầm bởi wWw.VietWeb.Vn - Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: