Còn nhớ, tôi ra Cô Tô lần đầu tiên là vào tháng 7-2011, giữa cao điểm nóng bức của ngày hè nhưng những bãi biển trong vắt, tuyệt đẹp của Cô Tô khi ấy cũng chỉ lác đác người tắm biển. Sau này, trở lại Cô Tô cũng vào tháng 7-2015, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự “lột xác” của du lịch nơi đây. Hệ thống nhà nghỉ bắt đầu phát triển mạnh, kể cả các nhà nghỉ cao tầng, hiện đại tới hệ thống nhà nghỉ dạng homestay trong các khu nhà của người dân huyện đảo. Các bãi biển Bắc Vàn, Hồng Vàn, Vàn Chảy... vẫn vô cùng quyến rũ, hấp dẫn du khách đá bóng trên bãi cát hay bơi lội vẫy vùng mỗi lúc sáng sớm, mỗi khi chiều buông. Hải sản Cô Tô ngon tuyệt, những món ăn phổ biến mà dư vị của nó khiến người ăn nhớ mãi, từ cơ trai, mực, ghẹ, bề bề, ốc, cá...

Đặc biệt, tiệc BBQ bãi biển là “đặc sản” ở đây làm chúng tôi không thể quên. Bãi biển vào đêm, dù đêm không trăng nhưng vẫn lung linh, mờ ảo bởi vô số ánh đèn. Không gian quả thực không chỉ đẹp mà còn lãng mạn nữa bởi cách bài trí tinh tế, lạ mắt. Những chiếc dù bằng lá giản dị là vẻ đẹp riêng của các bãi biển. Các bàn ăn được bày rải rác. Xa xa, chiếc lò nướng hồng rực, đồ ăn phía trên thoảng mùi thơm các món nướng vị biển. Vừa ăn, vừa trò chuyện, nghe tiếng sóng biển xô bờ, tận hưởng không gian trong lành, thơ mộng, đó là những cảm nhận thật sự khó phai khiến chúng tôi đều muốn tìm lại cảm giác ấy thêm một lần nữa.

Phát triển du lịch dịch vụ đang giúp người dân Cô Tô thoát nghèo bền vững.
Phát triển du lịch dịch vụ đang giúp người dân Cô Tô thoát nghèo bền vững.

Chính vì vậy, chuyến du lịch đầu tháng 6 vừa qua của cả nhóm tới Cô Tô, chúng tôi quyết định đặt tiệc BBQ bãi biển với mức cao nhất là 350.000 đồng/suất. Bãi biển Hồng Vàn dịp ấy đang mùa rong biển, nên chúng tôi đổi vị trí tại Vàn Chảy, bãi biển được xem là còn nguyên sơ, sạch hơn cả tại Cô Tô hiện nay theo lời khuyên của một chủ khách sạn người địa phương.

Hào hứng tới Vàn Chảy, than ôi trước mắt tôi là bãi biển đông nghẹt người, một dãy quán lợp lá chạy dọc bãi biển, phía dưới là vô số những chiếc phản để bày đồ ăn cho khách. Đi xuyên qua dãy quán này xuống biển lại tiếp tục là những dãy bàn ăn đã sắp sẵn bát đũa, khăn, giấy ăn... Giữa các bàn ăn, chủ quán chăng dây để thắp đèn vừa trang trí vừa để thắp sáng phục vụ cho khách ăn đêm. Vùng vẫy trong nước biển khiến ai nấy đói và mệt, cứ ngỡ lên bờ ăn tối lại là ăn đồ nướng sẽ vừa nóng, vừa ngon. Mặc dù chủ quán có nói rằng, vì chúng tôi đặt giờ ăn khá muộn nên các món đều vừa làm xong nhưng kỳ lạ, món nào cũng nguội nguội như thể đã luộc sẵn, chỉ hơ qua lửa cho sém, cho có vị đồ nướng vậy. Các món ăn chính khá đơn điệu khi đều là các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Riêng món ghẹ luộc, chủ quán xin lỗi là vì khách đông, việc chọn lựa không kỹ, có thể có con ghẹ không được chắc, nhưng khi ăn xong thì một thành viên trong nhóm đã nửa đùa, nửa thật bảo với chủ quán là “đàn ghẹ nhà anh mải đi chơi, yêu đương hết cả...”.

Dẫu vậy, chủ quán BBQ bãi biển này còn khá tận tình. Chúng tôi cứ động viên nhau rằng, dù không được ngon nhưng còn hơn chán bữa trưa ở trung tâm thị trấn, nhân viên phục vụ bàn gương mặt cứ như “mất sổ gạo”, đặt bát cơm rõ xa, rõ nặng khiến ai nấy cũng giật mình, như thể không làm thế chúng tôi không biết cơm đã được mang ra vậy. Rồi còn bữa sáng nữa chứ, quán rất lớn, vị trí rất đẹp nhưng bánh đa thập cẩm hải sản thì cứng, bát mì trơ trọi, không có lấy một cọng hành hoa...

Du lịch Cô Tô lâu nay vốn nổi tiếng nhất là sự hoang sơ, trong lành của các bãi biển. Nhưng vẻ đẹp của “thiên đường nghỉ dưỡng” này sẽ khó mà giữ vững một khi du lịch phát triển “nóng” với con số du khách đến Cô Tô tăng lên chóng mặt như những năm gần đây. Theo thống kê, năm 2012, Cô Tô mới đón 35.000 lượt khách nhưng đến năm 2014, con số này đã đạt mức 120.000 lượt khách/năm, năm 2015 đạt 180.000 lượt và trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt 150.000 lượt khách, với mục tiêu của huyện là đón 250.000 lượt khách trong năm nay.

Thực tế cho thấy, Cô Tô làm du lịch chưa lâu nhưng đã sớm ý thức về sự phát triển bền vững. Hơn thế, điều ấy còn ngấm và được thể hiện ở mỗi người dân nơi đây trong kinh doanh, phát triển các lĩnh vực dịch vụ phục vụ du khách. Tuy nhiên, xu hướng thương mại hoá, bất chấp các giá trị tự nhiên, cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp cũng đang len lỏi, mà chuyến đi với cảm nhận riêng của chúng tôi hay quyết định dừng kinh doanh của một doanh nghiệp đã kể đầu bài viết này chỉ là một vài minh chứng cụ thể. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần lưu tâm tìm những giải pháp phù hợp trong quản lý về lâu dài, để Cô Tô mãi mãi là “viên ngọc xanh” giữa biển khơi trong cảm nhận của mọi du khách.

Ngọc Mai

Sưu tầm bởi wWw.VietWeb.Vn - Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: