Ba Chẽ là một huyện miền núi có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, với nhiều đặc sản nổi tiếng như ba kích, trà hoa vàng v.v.. Thế nhưng, với khách du lịch, có lẽ Ba Chẽ là một cái tên còn khá lạ lẫm...

 Thác Khe Lạnh.
Thác Khe Lạnh.

Với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, đông đồng bào dân tộc sinh sống, Ba Chẽ là địa phương có một bản sắc văn hoá riêng, con người nơi đây thân thiện, hiền hoà và mến khách. Tuy nhiên, do dịch vụ du lịch chưa phát triển nên hầu như rất ít du khách đến Quảng Ninh lại “ghé qua” thăm Ba Chẽ.

Trong khi đó, một trong những điểm đến, tạo được ấn tượng ngay cho bạn khi đặt chân đến đây đó là dòng sông Ba Chẽ. Dòng sông uốn lượn quanh suốt chiều dài của huyện Ba Chẽ với hơn 80km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi đổ ra biển. Đầu nguồn con sông nằm ở xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ. Hai bên bờ sông là những dãy núi, cánh rừng trải dài xanh mướt. Dòng sông cũng chính là nguồn nuôi sống các rừng keo và cả các khu rừng tre nứa bên sông, làm nên những cái tên đặc sản của địa phương như: Sa nhân Lương Mông, ba kích Minh Cầm, quýt, trà hoa vàng Đạp Thanh, mía Đồn Đạc, đậu lạc Thanh Lâm…

Ở những nơi mà dòng sông chảy qua, có lẽ ưu ái nhất là thôn Làng Mới, xã Nam Sơn, nơi đây có lò sứ cổ nằm bên bờ sông Ba Chẽ, có niên đại khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Khu lò gốm bao gồm đầy đủ hệ thống chế tác đồ sứ như: Khu chế biến nguyên liệu, dãy bể ngâm nguyên liệu, sân tập kết nguyên liệu, xưởng chế tác sản phẩm, bãi chứa sản phẩm phế thải… Đặc biệt tại khu chế tác đã phát hiện lò nung sứ cổ có quy mô lớn, dài gần 60m, rộng khoảng 15m. Lò được xây dựng theo kiểu lò rồng, gồm 16 đầu lò xếp liên tiếp. Đây được coi là loại hình lò gốm có trình độ vào loại tiên tiến hiện đại vào thời điểm nó ra đời. Tại nơi đây còn phát hiện nhiều bát đĩa, cốt tráng men ngọc xanh nhạt, một loại sứ quý hiếm trong lịch sử. Lò sứ có chiều dày vỉa khoảng 60m, dài 20km, trữ lượng lớn. Theo các chuyên gia địa chất thì đất sét nơi đây có thể dùng cho công nghiệp mỹ phẩm hoặc nghiền làm chất tắm bùn  phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng và du lịch.

Cách lò sứ cổ không xa, vẫn thuộc địa bàn xã Nam Sơn là khu di tích miếu Ông - miếu Bà, 2 miếu thờ nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông Ba Chẽ. Di tích miếu Ông nằm trong một khu rừng nguyên sinh gồm chủ yếu là cây bản địa như lim, táu, sến... Ở đây còn có một số cây do con người trồng như hoa ngọc lan, cây si, cây đa và các loại cây thuốc quý, ngoài ra ngay sau khu vực thuộc miếu Ông còn xuất hiện nhiều giếng nước ngọt, những giếng này không bao giờ hết nước, ngay cả thời tiết khô hạn nhất trong năm. Miếu Ông là nơi thờ tướng Lê Tự Đức, người có công phò tá Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông trong thời gian tạm lánh tại sông Ba Chẽ. Còn miếu Bà là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, người đã có công dạy những người dân miền núi cách trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc chữa bệnh. Những thương lái hay ngư dân khi đi qua khúc sông này đều đến thắp hương tại miếu để cầu được những chuyến vượt sông, vượt biển may mắn và làm ăn thuận lợi.

Cùng với các điểm du lịch đó, Ba Chẽ còn có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú như: Thác Khe Lạnh, xã Thanh Sơn, có độ thác nước cao trên 20m, 2 tầng, có dòng chảy lớn với các tảng đá xếp thành tầng, tạo nên hình ảnh kỳ vĩ. Thác Khe Lạnh có nhiều thảm thực vật phong phú, cây rừng to lớn bao phủ, nhiệt độ trung bình mùa hè tại đây khoảng 24o, mùa đông khoảng dưới 10o. Đây là điểm tham quan với cảnh đẹp phong phú, suối trong mát, tạo cảm giác thư thái cho mỗi du khách được đắm mình với dòng suối thiên nhiên và không khí trong lành.

Ngoài ra, Ba Chẽ còn có rất nhiều cảnh đẹp tự nhiên, thác nước, hang động khác như: Đèo Giang (Lương Mông), thác Khe Lùng (Thanh Sơn), hang động, trang trại trà hoa vàng và các món ăn độc đáo, khác lạ... đang chờ du khách đến khám phá…

Cẩm Thu

Sưu tầm bởi wWw.VietWeb.Vn - Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: