Sông Ba Chẽ là một trong các con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ninh và lớn nhất trong hệ thống sông suối Ba Chẽ. Bắt nguồn từ núi Am Váp trên đất Hoành Bồ, sông Ba Chẽ dài 80km, chảy qua nhiều xã của huyện Ba Chẽ trước khi đổ ra biển. Cửa sông Ba Chẽ gặp cửa sông Tiên Yên ở phía Bắc và cửa sông Voi Lớn ở phía Nam. Chỗ gặp gỡ ba cửa sông chính là gốc tên Ba Chẽ (ba chẽ sông) và nay là tên huyện. Từ bao đời nay, nơi cửa sông Ba Chẽ tồn tại hai ngôi miếu cổ đó là miếu Ông và miếu Bà, gắn liền với câu chuyện lui quân lánh thế giặc Nguyên Mông của hai vua Trần năm 1285.

Di tích miếu Ông đã được khởi dựng lại và sẽ khánh thành vào ngày 17-1 tới đây.
Di tích miếu Ông đã được khởi dựng lại và sẽ khánh thành vào ngày 17-1 tới đây.

Miếu Ông và miếu Bà thuộc xã Nam Sơn, nằm đối diện hai bên bờ sông Ba Chẽ, soi bóng xuống dòng nước trong xanh, sơn thuỷ hữu tình, cách cầu Ba Chẽ khoảng gần 1km. Miếu Bà thờ Mẫu Thượng Ngàn (bà chúa rừng xanh), theo dân gian, bà là hồn thiêng sông núi. Giống như nhiều nơi ở trung du, miền núi và đồng bằng Bắc Bộ, ở Quảng Ninh, Mẫu Thượng Ngàn được thờ ở nhiều nơi, riêng rẽ hoặc phối thờ trong các chùa, đền nhưng miếu thờ ở nơi cửa biển, lại được xếp hạng di tích cấp tỉnh thì chỉ có ở Ba Chẽ.

So với miếu Bà, miếu Ông có quy mô hơn cả về kiến trúc và tầm vóc lịch sử. Theo truyền thuyết dân gian và đối chiếu với các di vật còn lại tại miếu, các nhà nghiên cứu cho rằng miếu Ông có từ thế kỷ XIII. Theo tài liệu của Viện Hán nôm Hà Nội, miếu Ông có tên cổ là Tam Trĩ linh từ (miếu Tam Trĩ linh thiêng), thờ Lê Bá Đức (hay Lê Tự Đức) - người có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông năm 1285 tại Ba Chẽ. Đáng tiếc, thân thế, sự nghiệp, năm sinh, năm mất của ngài không có bia ký, tư liệu nào ghi lại rõ ràng hơn. Tất cả chỉ là truyền miệng dân gian để lại.

Cuối năm 1284, đầu năm 1285, quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Quân giặc chia làm hai mũi gọng kìm một từ Lạng Sơn, một từ Tuyên Quang đánh xuống; lại thêm mũi thứ ba do Toa Đô chỉ huy từ Nghệ An, Thanh Hoá đánh ra. Nhằm tránh thế giặc mạnh, hai vua Trần (Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông) đã lui về Tam Trĩ (Ba Chẽ ngày nay). Giặc đuổi theo, hai vua Trần phải lui ngược lên thượng nguồn sông Ba Chẽ, đồng thời cho thuyền ngọc chạy về hướng Ngọc Sơn (tức Móng Cái) để đánh lừa chúng. Chuyện này, Đại Việt Sử ký toàn thư (tập 2, NXB Khoa học xã hội - 1998, trang 54) chép rằng “thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ nguyên, sai thuyền ngự ra Ngọc Sơn để đánh lừa giặc… Tháng 3, ngày Giáp Tuất, mồng 1, hai vua bỏ thuyền đi bộ đến Thuỷ Chú. Lấy thuyền ra sông Nam Triệu (tức huyện Thuỷ Đường) vượt biển Đại Bàng vào Thanh Hoá”. Đây được coi là cuộc rút lui chiến lược của nhà Trần để rồi sau đó xây dựng thế trận phản công. Vậy phải chăng Lê Bá Đức là tướng theo hộ giá vua Trần hay ngài là hào trưởng địa phương đã đứng lên tập hợp dân binh địa phương giết giặc và đã anh dũng hy sinh? Trên đảo Quan Lạn (Vân Đồn) hiện có ba ngôi miếu thờ ba anh em họ Phạm, đó là miếu Đức Ông thờ Phạm Công Chính, miếu Sao Ỏn thờ Phạm Quý Công và miếu Đông Hồ thờ Phạm Thuần Dụng. Tương truyền, ba ông là người địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba (1288), 3 anh em họ Phạm đã đứng lên tập hợp dân binh cùng quân nhà Trần do tướng Trần Khánh Dư chỉ huy đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Vân Hổ, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử. Liệu giữa truyền thuyết ở miếu Ông và ba ngôi miếu ở Quan Lạn có gì tương đồng? Cho dù thân thế, sự tích về thần chủ Lê Bá Đức không sáng tỏ nhưng chuyện tạm lánh giặc của hai vua Trần được sử ghi chép và công lao với đất nước của ngài từ lâu đã được dân gian ghi nhận, lập miếu thờ phụng âu cũng là truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn vô cùng quý báu và đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam.

Ngày 23-6-2013, miếu Ông - miếu Bà đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh và năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch khu di tích lịch sử với diện tích 5ha, gồm miếu Ông, miếu Bà, chùa và một số hạng mục khác. Cùng năm, được sự quan tâm của Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh, di tích miếu Bà đã được tôn tạo lại và hoàn thành đưa vào sử dụng với diện tích trên 200m2 quy mô 3 gian 2 chái. Năm 2015, miếu Ông được khởi công phục dựng trên nền cũ với tổng diện tích 500m2, gồm 3 gian 2 chái, mái lợp ngói mũi hài, đến nay công trình đã hoàn thành.

Ngày 7-1-2016, tại cuộc gặp gỡ một số cơ quan báo chí bàn về các giải pháp quảng bá, tuyên truyền sản phẩm OCOP và danh thắng địa phương do UBND huyện Ba Chẽ tổ chức, đồng chí Bùi Văn Lưu, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Ba Chẽ cho biết, ngày 17-1 tới đây, huyện Ba Chẽ sẽ tổ chức lễ khánh thành miếu Ông cùng với khai mạc Lễ hội trà hoa vàng. Qua các hoạt động lễ hội, huyện mong muốn giới thiệu giá trị di tích lịch sử miếu Ông - miếu Bà đến đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Từ đó đẩy mạnh phát triển du lịch, văn hoá và tâm linh; quảng bá tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện, tiền đề để xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng Ba Chẽ; đồng thời thể hiện truyền thống hiếu khách của văn hoá con người Ba Chẽ.

Đại Dương

Sưu tầm bởi wWw.VietWeb.Vn - Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: