Từ xa xưa, Vĩnh Phúc quê tôi đã có nhiều làng nghề nổi tiếng, như gốm Hương Canh, mộc Xuân Lãng (Bình Xuyên), rắn Vĩnh Sơn, mộc Bích Chu, rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường)... mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Trong đó, làng gốm Hương Canh là nổi tiếng nhất, được lưu truyền trong ca dao như "Gốm Hương Canh, gạch Bát Tràng", "Sứ Móng Cái, vại Hương Canh" hay đi vào bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu mà hầu như ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường đều thuộc "Ai về mua vại Hương Canh/ Ai lên mình gửi cho anh với nàng..."

Vại, chum, hũ... những sản phẩm gốm Hương Canh đã đi vào ca dao.
Vại, chum, hũ... những sản phẩm gốm Hương Canh đã đi vào ca dao.

Làng gốm Hương Canh nay thuộc thôn Đại Đồng, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), ngay bên trái Quốc lộ 2, cách Hà Nội khoảng 50km nên rất thuận tiện cho du khách ghé thăm. Các nhà khảo cổ khẳng định Hương Canh là làng gốm sành cổ truyền lâu đời ở vùng trung du Bắc Bộ, có từ thời Hùng Vương. Khu vực sản xuất gốm tập trung ở xóm Lò Cang - nằm ngay đầu thôn, bên trái cây cầu cùng tên. Từ cang - theo các nhà nghiên cứu văn hoá, ngoài ý nghĩa là sự cứng rắn, đanh, còn dùng để gọi các loại đồ sành nói chung.

Sau công đoạn nặn tạo hình, tất cả các sản phẩm đều được phơi thật khô trước khi đưa vào lò nung.
Sau công đoạn nặn tạo hình, tất cả các sản phẩm đều được phơi thật khô trước khi đưa vào lò nung.

Sản phẩm truyền thống của làng gốm Hương Canh trước đây là các loại đồ sành như: Vại thuổi, vại tít, máng to, chum, bình vôi, cang, chĩnh, tiểu sành, tượng con giống, trang trí kiến trúc trong đình chùa, miếu, như tượng nghê, đầu đao, lá lan đằng... Trong đó, chum, chĩnh, vại của Hương Canh nổi tiếng, không chỉ vì màu sành lên đẹp và có độ bền khi dùng mà quan trọng hơn cả là những đồ ẩm thực đựng bên trong sẽ không bị hỏng. Tương, cà, dưa, mắm... được làm trong chum, vại, chĩnh sành của Hương Canh sẽ ngon hơn, không bị váng, mốc. Để tạo được lớp da xanh đó, độ nung của món đồ sành này thường có nhiệt độ cao gấp hai lần loại đồ sành có lớp da mầu đỏ. Một đặc trưng là đồ sành Hương Canh hầu như không trang trí hoa văn, ngoại trừ tiểu sành.

Sau 48 giờ nung, lò được bít cửa để ủ sản phẩm trong 1 tuần.
Sau 48 giờ nung, lò được bít cửa để ủ sản phẩm trong 1 tuần.

Theo dòng chảy của lịch sử, do chiến tranh, do thị hiếu tiêu dùng mà có lúc làng nghề gốm Hương Canh thăng trầm, sóng gió, tưởng như xoá sổ nhưng bằng tình yêu nghề, một số nghệ nhân ở làng đã cố gắng tìm tòi, bằng mọi cách duy trì và phát triển nghề gốm cổ truyền của cha ông để lại. Theo bảng dẫn mũi tên đầu xóm Lò Cang, tôi tìm đến gia đình ông Tuấn - chủ cơ sở "lò gốm bà Nụ" nằm sâu trong ngõ nhỏ. Ông Tuấn cho biết thương hiệu bà Nụ là tên mẹ ông, cụ đã mất mấy năm. Gia đình ông làm nghề gốm đã nhiều đời. Đang dở tay hoàn thiện chiếc nắp tiểu nên ông Tuấn vừa làm vừa tiếp tôi. Quan sát một vòng, tôi nhận thấy từ hè, sân, vườn, đầu nhà… đâu đâu cũng các sản phẩm gốm đã hoặc chưa hoàn thiện. Phía bên phải hồi nhà, liền kề với bếp là một lò bầu để nung sản phẩm. Ông Tuấn cho biết, hiện ở làng có nhiều hộ có lò nhưng chủ yếu nung bằng đốt ga, còn nung bằng củi theo cách thủ công truyền thống như gia đình ông thì chỉ có 3 lò. Nung bằng ga thì chỉ 6 tiếng là xong nhưng nung theo cách truyền thống phải đốt 48 giờ, xong lại phải ủ lò mất 1 tuần mới ra được sản phẩm.

Đặc trưng của gốm sành Hương Canh là sản phẩm không tráng men, độ nung rất cao.
Đặc trưng của gốm sành Hương Canh là sản phẩm không tráng men, độ nung rất cao.
Theo ông Tuấn, gia đình ông làm nghề gốm đã hàng chục năm.
Theo ông Tuấn, gia đình ông làm nghề gốm đã hàng chục năm.

Gốm Hương Canh sở dĩ trở nên nổi tiếng, theo ông Tuấn cũng phần nào phụ thuộc vào chất liệu đất. Đất làm gốm sành ở Hương Canh cần phải có 2 loại: Đất sét xanh thì chỉ có ở các khu đầm chiêm trũng, thường được lấy ở độ sâu 3-10m. Đất làm vại, cang, chĩnh phải lấy đất sét xanh. Ưu điểm của loại sét xanh nguyên chất có độ mịn và độ dẻo rất cao, sành có độ bóng giống như đã được tráng men. Gốm Hương Canh chỉ được dùng kỹ thuật chuốt trên bàn xoay đối với những đồ gốm sinh hoạt, còn khi làm tiểu thì người ta dùng khuôn. Các hoa văn trang trí trên tiểu cũng được đổ khuôn sau đó được dán lên tiểu. Gốm đã tạo dáng xong mang phơi trong bóng dâm, chỗ thoáng gió nhưng không lộng gió để cho gốm khô từ từ khỏi bị nứt nẻ. Mặc dù mất nhiều công đoạn như vậy nhưng khâu nung - khâu cuối cùng cũng vô cùng quan trọng, đòi hỏi người thợ phải nắm vững kỹ thuật xếp lò, "điều" lửa. "Nung gốm cũng như nấu rượu. Dù cao tay nhưng không khéo cũng hỏng mẻ như chơi" - ông Tuấn cười, ví von.

Trải qua các thăng trầm, ngày nay, làng gốm Hương Canh đã khẳng định được hướng phát triển và sức sống của nó. Sản phẩm của làng nghề được phân phối tới nhiều nơi trong nước, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trần Minh

Sưu tầm bởi wWw.VietWeb.Vn - Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: